Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang đến những thay đổi lớn lao trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống trong đó có y tế và chăm sóc sức khoẻ.
Tại Nhật Bản, cụm từ y tế 4.0 là cụm từ chỉ y tế và chăm sóc sức khoẻ thời kỳ ứng dụng công nghệ 4.0 như công nghệ Robot, Sensor, dữ liệu lớn, Deep Learning, Blockchain… Những công nghệ này đang giúp máy móc tổ chức thông tin tốt hơn, hỗ trợ ra quyết định “thông minh” và chính xác hơn, trợ giúp được con người nhiều hơn trong điều trị và chăm sóc sức khoẻ.
Một công ty với kinh nghiệm làm việc 6 năm chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng trong y tế tại Nhật Bản đã phân tích, trình bày những yếu tố cốt lõi, quan trọng của y tế 4.0, cập nhật tình hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong y tế Nhật Bản và những dự báo trong tương lai.
Bài toán về thu thập dữ liệu y tế và sức khoẻ
Khi nói đến AI thì điều kiện đầu tiên là phải có dữ liệu lớn và được chuẩn hoá.
Dữ liệu liên quan đến y tế và sức khoẻ rất phong phú và đa dạng bao gồm cả text, số liệu, âm thanh, hình ảnh, video. Dữ liệu tồn tại ở dạng có cấu trúc và phi cấu trúc.
Dữ liệu liên quan đến y tế và sức khoẻ bao gồm:
– Thông tin cơ bản: chiều cao, cân nặng, nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể …
– Thông tin mô tả: người bệnh có thể mô tả các triệu chứng thông qua lời kể
– Thông tin thăm khám lâm sàng: những biểu hiện lâm sàng bên ngoài như da xanh, nôn mửa, khó thở…
– Thông tin xét nghiệm: kết quả xét nghiệm máu, tế bào, sinh khiết, siêu âm, hình ảnh, âm thanh tim, phổi…
– Thông tin điều trị: bệnh, thuốc, phác đồ điều trị…
– Thông tin sinh hoạt: giấc ngủ, vận động, ăn uống, tinh thần…
Những thông tin này sẽ được thu thập qua các thiết bị IoT với các đầu cảm ứng đặc biệt.
Với sự tiến bộ của công nghệ, những thiết bị IoT trong y tế và chăm sóc sức khoẻ đã đo được nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, giấc ngủ, vấn động, tinh thần và thậm chí là cả đường huyết không cần lấy máu (Halo LX+). Các thiết bị IoT này nếu trở nên phổ biến, sẽ tự động thu thập được thông tin cơ bản của mọi người, dữ liệu sau đó được đẩy về trung tâm lưu trữ, tạo nên nguồn Big Data lớn về dữ liệu sức khoẻ. Tới lúc này trí tuệ nhân tạo sẽ vào cuộc tìm ra được những mối liên hệ giữa các dữ liệu y tế, trả về những thông tin hữu ích cho việc chăm sóc sức khoẻ.
Phạm vi áp dụng y tế 4.0 trong chuỗi tương quan về y tế và chăm sóc sức khoẻ
Để xác định phạm vi áp dụng công nghệ 4.0, chúng ta nhìn lại chuỗi tương quan cơ bản trong chăm sóc sức khoẻ và y tế.
– Y tế dự phòng: y tế dự phòng là nói đến các phương thức giám sát, theo dõi, phòng ngừa bệnh tật. Người bệnh chủ động sử dụng các biện pháp theo dõi tình trạng sức khoẻ như thăm khám sức khoẻ định kỳ hoặc sử dụng ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ giám sát sức khoẻ.
– Thăm khám: người bệnh đến các cơ sở y tế hoặc thăm khám từ xa với sự tham gia của các bác sỹ chuyên môn
– Xét nghiệm: Bác sỹ chuyên khoa thực hiện các xét nghiệm chuyên môn nhằm xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh
– Điều trị: Bác sỹ lên phác đồ điều trị, thực hiện điều trị, kê đơn thuốc
– Chăm sóc sau điều trị: theo dõi tiến triển điều trị và giám sát tái phát
– Điều dưỡng: chăm sóc sức khoẻ người già và tàn tật
Xâu chuỗi lại các vùng phạm vi chăm sóc sức khoẻ với dữ liệu, chúng ta sẽ có mối tương quan phạm vi nào có những dữ liệu nào và từ đó nhìn thấy những ứng dụng có thể áp dụng từ công nghệ của công nghệp 4.0
Những ứng dụng dựa trên công nghệ 4.0 đã được triển khai trong y tế, điều dưỡng và chăm sóc sức khoẻ
– Robot: Có lẽ robot chính là những ứng dụng sớm nhất trong số các công nghệ 4.0 được áp dụng trong y tế. Sự tiến bộ khoa học trong công nghệ điều khiển đã giúp con người sản xuất ra các robot thông minh trợ giúp con người trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Robot trò chuyện với người già, robot trợ giúp di chuyển, nâng vật nặng …
– IoT, Sensor: IoT hay internet vạn vật chính là cứu cánh cho bài toàn dữ liệu lớn trong y tế. Các thiết bị máy móc được trang bị các cảm ứng để tự động thu thập dữ liệu sức khoẻ, đồng thời kết nối với internet để chuyển dữ liệu liệu đó lên không gian lưu trữ tập trung.
Để phát triển trí tuệ nhân tạo thì phải có dữ liệu y tế lớn. Dữ liệu lớn có ở đâu? Câu trả lời là trong bệnh viện và các cơ sở y tế, điều dưỡng. Nhưng với sự có mặt của IoT, chúng ta có thêm nguồn dữ liệu khổng lồ do mỗi cá nhân cung cấp.
Gần đây chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các thiết bị IoT giám sát các chỉ số sức khoẻ như Smartwatch của Apple, Fitbit của Google và vô vàn những thiết bị tương tự của những công ty nhỏ khác. Dường như có một cuộc đua phát triển đo tất cả những gì có thể đo được bằng sensor: đo huyết áp, đường huyết, nhiệt độ, vận động, tiêu hao calo, nhịp tim, cảm xúc và thậm chí cả thiết bị phát hiện dấu hiệu tiểu tiện.
Cuộc đua các thiết bị IoT cho y tế chính là cuộc đua nắm dữ liệu sức khoẻ của người dùng. Chính vì vậy mà các ông lớn của thế giới về IT đều đang gia nhập và mong muốn chiếm giữ nguồn dữ liệu ấy.
– Big Data, AI: Khi đã có dữ liệu lớn trí tuệ nhân tạo sẽ vào cuộc biến dữ liệu thành thông tin có ý nghĩa và trợ giúp con người ra quyết định. Với sự tiến bộ của học máy cho phép các bộ máy học được dữ liệu, nhiều xử lý logic vượt xa khả năng con người. Máy tính lớn và siêu máy tính với hàng tỉ phép tính một giây cho phép tính toán nhanh và chính xác. Thêm nữa phương pháp học máy Deep Learning đã mở ra một kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo lên một tầng cao mới. Máy tính học được thêm tri thức từ dữ liệu. Dữ liệu càng nhiều, kết quả trả về từ máy tính có độ chính xác càng cao.
Điển hình là trường hợp máy tính Watson của IBM đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trong lĩnh vực phát hiện ung thư. Có những bệnh ung thư, máy tính đã trả về kết quả chính xác đến 95%, 98%.
Năm 2016 của trường ĐH Tokyo Nhật Bản với sự trợ giúp của Watson đã đưa ra phác đồ điều trị thành công cho một bệnh nhân ung thư nhờ tri thức máy tính đã học được từ hàng nghìn bài luận, nghiên cứu về ung thư.
Những vấn đề trong Y tế 4.0
Tuy nhiên, y tế 4.0 cũng bộc lộ những vấn đề thuộc như: vấn đề về an toàn thông tin cá nhân, bản quyền thông tin y tế, trách nhiệm với các quyết định từ máy móc và Business Model,… Những điều này đang trở thành những rào cản cả về luật pháp và kinh doanh làm cản trở sự phát triển của y tế 4.0 tại Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác. Chắc chắn trong thời gian tới, các chính phủ sẽ nỗ lực để giải quyết các vấn đề trên để mở đường cho sự phát triển cho công nghệ đem lại thay đổi lớn lao về mọi mặt đời sống, chính trị, kinh doanh, y tế, giáo dục… mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra.
Sưu tầm